Có cô em hỏi sách để đọc trong kỳ nghỉ lễ. Mình thì mình nghĩ là đơn giản ra nhà sách thích gì bưng nó về. Mình không kén sách đọc, không có sách hoàn hảo, ngay cả cuốn sách dở 90% cũng có 10% đọc được. Cho nên mình đọc đủ thứ sách, từ manga cho tới ngôn tình, trinh thám cho tới viễn tưởng. Nhưng giới thiệu sách thì chắc sách kinh tế mình đã đọc có lẽ là có ích cho một số bạn nên mình sẽ giới thiệu ở đây.
Sách thì đương nhiên có chỗ hay, chỗ dở, không có cuốn nào khẳng định là “must read”. Tuy nhiên, có một số cuốn mà ai hỏi sách cần đọc thì mình sẽ giới thiệu liền theo thứ tự trong trí nhớ bật ra.
Một vài quyển sách mình nghĩ là nếu bạn chưa đọc thì nên tìm đọc.
Kỳ này mình giới thiệu trước mấy quyển.
Irrational Exuberance của Robert Shiller
Đây là quyển đầu tiên giúp mình tiếp cận với khái niệm Tài chính hành vi và là cảm hứng mình viết một loạt bài về nó trên ĐTCK và báo Đầu tư vào đầu những năm 2004-2005, cũng như 2 bài viết trên Tạp chí Kinh tế Phát triển của Đại học Kinh tế. Bản 3rd edition có phần mới viết về bond, đáng mua đọc mới cho những bạn đã đọc rồi.
Bạn nào muốn đi chém về thị trường, đặc biệt là lúc tăng hay giảm điên loạn thì cuốn nào bao mấy cái ý tưởng và thuật ngữ hay, thời thượng, anh em hay dùng.
Globalization and its Discontents - Joseph E. Stiglitz
Đây là quyển sách đầu tiên giúp mình giải ngố, bớt thần tượng mấy tổ chức như IMF, WB vào những năm 2003-2004 khi mình còn là sinh viên đại học. Bác Stiglitz là người có ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ của mình về cách tiếp cận chính sách, vì mình đọc hầu hết sách và phân tích của bác. Ngoài ra bác còn ảnh hưởng phần lớn cách tiếp cận của mình trong phân tích chính sách vì mình học một môn về phân tích chính sách dành cho PhD students của đại học Manchester, và bác dạy 2 seminar và có 3 buổi talk về tiếp cận chính sách. Nếu bạn đọc quyển này của Stiglitz bạn sẽ không thấy lạ khi bác là một trong những tên tuổi dẫn đầu phe phản đối tăng lãi suất mạnh trong năm nay để khống chế lạm phát với trích dẫn là lãi suất cao không làm tăng thêm lương thực hay năng lượng để giải quyết điểm nghẽn nguồn cung.
The Return of Depression Economics and the Crisis of 2008 - Paul Krugman
Sách về 2008 có nhiều, đây là một trong những cuốn nhìn toàn diện về góc độ vĩ mô và đọc lôi cuốn.
Nếu cụ Stiglitz có ảnh hưởng sâu sắc tới suy nghĩ của mình thì cụ Krugman chính là người ảnh hưởng sâu sắc nhất tới cách viết của mình, trong đó có kỹ thuật xoáy vào các điểm phân tích trọng yếu và lật ngược vấn đề, dùng chính dữ liệu của người ta để xoáy người ta, giống chiêu dùng gậy ông đập lưng ông. Một chiêu khác nữa mình cũng học là cụ hay để những câu chết người ở cuối bài, gây sốc, kết liễu gọn. Cụ Krugman vì vậy dù bài sai hay đúng thì các câu kết đều rất gây ấn tượng. Nhưng sách cụ mấy chương giải pháp thì khá có vấn đề :) (như nhiều cụ khác). Đa số sách của các cụ nổi tiếng bạn cứ đọc các cụ giải thích vấn đề, lý thuyết, .v.v rất hay, nhưng tới phần đưa giải pháp hay đề xuất là thấy sao sao đó. Nên thôi, các bạn cứ đọc thấy chỗ nào hay là được rồi, bỏ qua chỗ nào chưa thích.
Cuốn này vợ mình có dịch ra tiếng Việt chung với anh bạn thân của nhà mình là anh Nguyễn Dương Hiếu, nhưng hình như sách đã bán hết, không có tái bản.
Too Big to Fail - tác giả Andrew Ross Sorkin
Sorkin là một tác giả và nhà bình luận thị trường xuất sắc là Editor của Deal Book của NYT và anchor của chương trình Squawk mình thường coi. Cuốn này của Sorkin giúp mình hiểu được tiến trình giải cứu 2008 là một tiến trình phức tạp, cũng đá bóng qua lại, thương lượng chính trị, giữa người giàu với nhau, v.v.
Nó giúp ích cho mình rất nhiều trong những phân tích của đợt 2020-2022 này khi mình hiểu các tiến trình thương lượng về giải cứu và chi ngân sách, v.v. không hề đơn giản và nên chờ tín hiệu từ đâu. Cuốn này đang năm trên bàn của mình. :)
Liar’s Poker - tác giả Michael Lewis
Big Short làm nên tên tuổi của Michael Lewis với công chúng, nhưng dân tài chính thì đa số chắc là đọc Liar’s Poker trước. Nếu bạn đọc sách Big Short và coi phim, thì mình nghĩ coi phim hay hơn. Michael Lewis viết rất nhiều sách chủ đề hay về cấu trúc trading của thị trường, con người, tổ chức trong đó, (chứ không dạy bạn trade). Nhưng mà không hề dễ đọc, ngay cả với Big Short. Liar’s Poker là cuốn dễ đọc và lôi cuốn nhất vì ít tính kỹ thuật (hay đúng ra vì nó viết sớm, lúc thị trường còn dễ hiểu).
Fooled by Randomness - Nassim Nicholas Taleb
Nhiều bạn thường bình luận nhầm lẫn về các khái niệm xác suất, rủi ro, bất định, .v.v Cuốn này có bàn về một số thứ trong đó. Và nó giải thích vì sao các tổ chức thuê đầy chuyên gia trùm xác suất mà vẫn thua ầm ầm. Một lần nữa, Taleb nổi tiếng qua Black Swan, nhưng đọc Fooled by randomness trước sẽ thấm hơn. Với mình thì cuốn này rõ ràng hơn Black Swan vì hình tượng Black Swan tuy thú vị nhưng thật ra lại xuất phát từ khái niệm khá đơn giản của thống kê. Fooled by Randomness chứa nhiều ý sâu hơn nhiều. Black Swan, theo mình, nếu không có 2008, sẽ không gây chú ý. Bởi có những thứ không thể dự đoán được kết quả. Có những paper mình làm cả 2 năm, lên tạp chí rank rất cao trong nghề, sếp viết mail chúc mừng, không ai trích dẫn. Lại có những paper mình không kỳ vọng gì, bà con trích dẫn quá trời. Ở đây cũng vậy. Viết sách cũng như nhạc sĩ sáng tác nhạc, ca sĩ hát, không biết bài nào hot. Bản thân cuốn sách này cho bạn một vài suy nghĩ về những cái tưởng chừng random như vậy.
Cái hình trên cùng có một số sách cũng hay, mình sẽ review tiếp một số cuốn trong đó.
Chúc các bạn nghỉ lễ vui vẻ.
Bạn nào muốn nhận list đọc sách thì đăng ký theo dõi Substack của mình ở đây nha. Trang này là free, nhưng khi bạn bấm vào sẽ có mục Pledge, nghĩa là bạn cho biết bạn sẽ sẵn sàng trả bao nhiêu cho đọc. Cái này là thiết kế mới của Substack, mình không thay đổi được. Bạn có thể chọn “No pledge” là xong, không tốn tiền. Nhưng bạn cũng có thể chọn giá để mình biết bạn sẽ sẵn sàng trả bao nhiêu tiền để đọc “Đọc chậm”. :)