Đọc Chậm 10/12: Nghề nào sẽ dễ bị AI ảnh hưởng nhất? Lãi suất Mỹ sẽ giảm về bao nhiêu trong năm 2024?
2024 là năm rủi ro chính trị cao nhất trong vòng một thập kỷ
Mình rất xin lỗi các bạn là hôm qua mình chạy deadline sấp mặt luôn (thật ra là chạy deadline cả tuần này và tuần sau luôn) nên không kịp ra Đọc Chậm. Những ngày cuối cùng trước X-mas thì cả đại học và các tổ chức tài chính đều phải chạy những deadline cuối cùng với đủ loại reports và mình ngày càng bị liên quan đến nhiều thứ trong số đó và deadline không có cửa nào thương lượng (vì trước X-mas 2 tuần là đóng cái rầm hard deadline).
Bên dưới đây là một số thứ mình thu lượm được trong tuần qua
Nghề nào dễ bị AI ảnh hưởng nhất?
Lãi suất Mỹ sẽ giảm đến đâu trong 2024?
2024 là năm rủi ro chính trị cao nhất trong vòng một thập kỷ
Các bài viết để đọc giải trí
Nghề nào dễ bị AI ảnh hưởng nhất?
Xưa giờ bà con cứ nghĩ là nghề chân tay dễ bị AI thay thế. Cái research mà chính phủ Anh thực hiện cho thấy ngược lại. Các ông đầu tiên chính là mấy ông làm bank, lập trình, và luật sư, thậm chí mấy ông đi dạy.
Với những công nghệ AI hiện nay, nghề dễ bị thay thế chính là nhóm nhân lực văn phòng tầm trung. Hiểu nôm na là con Chat-GPT nó đâu có làm thay việc ông thợ xây nhà. Nó thay cái ông ngồi gõ mấy tin báo, mấy người viết mấy đoạn quảng cáo nhỏ nhỏ, và mấy bạn luật sư copy paste mấy chữ ra cái thư luật sư và check hồ sơ linh tinh.
Đây là cái list các ngành dễ bị ảnh hưởng bởi làn sóng AI hiện nay.
Và cái bảng Table 2 tên công việc cụ thể gặp rủi ro cao với AI:
Còn table 3 là các nghề ít bị các con AI hiện nay ảnh hưởng - mấy người đi sửa mái nhà như mình vừa phải mướn thì hoàn toàn không dễ bị AI thay thế - data, skill sets, v.v. không dễ collect và có model, với lại skill cần những phần cứng phức tạp. Hoặc đá như anh Harry Maguire thì máy chắc cũng từ chối thay thế.
Lưu ý đây chỉ là nói về các con AI và tập trung nhiều vào các LLM như con ChatGPT. Còn nếu AI + phần cứng tự động hóa nữa thì sẽ thay được một số người trong cái list ít bị ảnh hưởng ví dụ mấy cái job lặp đi lặp lại của porter và cleaner.
Vậy bạn nên làm gì? Mình thì mình xem đây là kiểu cơ hội và rủi ro. “High Exposure” là cái ngành đó sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc bởi AI. Nhưng là nguy cơ hay cơ hội thì phải xem bạn làm gì. Nếu bạn không update bản thân, bạn sẽ bị thay thế. Ngược lại, nếu bạn có năng lực tận dụng tiến bộ của AI để nâng cấp công việc và năng suất, bạn sẽ ngon lành vì người ta thay chục người khác bằng có mình bạn thôi.
Nói cách khác, những ngành trong list “high exposure” ở trên sẽ có thể có thay đổi rất lớn trong mấy năm nữa về năng suất lao động và cơ hội nâng lợi nhuận nhờ cắt chi phí. Còn bạn là người nhận được quả ngọt hay là người bị cắt giảm thì hoàn toàn là do bạn.
Lãi suất Mỹ sẽ giảm đến đâu trong 2024?
Thị trường thì đang cược ở mức giảm khoảng 1-1,25%.
Nhưng survey các ông economist thì nghĩ là khoảng 0,5-0,75%.
Túm lại là kỳ vọng lãi suất cho vay không giảm cái ào đâu. Ví dụ kỳ vọng lãi suất cho vay mua nhà (mortgage) fix 30 năm của Mỹ được dự báo chỉ giảm về khoảng 6,6% mà thôi.
Nói chung cũng vẫn chỉ là đoán mò mà thôi. Mình có một bài viết về chủ đề này số báo sáng mai trên SGĐTTC. Ngoài ra còn một loạt bài đánh giá về kinh tế khá hay trong số báo này
- Lãi suất USD 2024: Fed tạm dừng tăng hay cắt giảm?: Nhiều nhà phân tích và giám đốc quỹ đầu tư trên thị trường Mỹ đang tin rằng, Cục Dự trữ liên bang (Fed) sẽ phải cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Bởi đa số đều dự đoán kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm trong 2024. Những số liệu kinh tế vĩ mô gần đây bắt đầu phát ra tín hiệu đó, khi số người nộp đơn thất nghiệp tăng lên và số liệu tồn kho bán sỉ được điều chỉnh giảm xuống. (TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên đại học Bristol, Anh)
- Không nên “ép” mục tiêu tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá: Khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) của năm 2023 là 6,5%, thì mục tiêu (trung gian) tăng trưởng tín dụng có thể là 14%. Nhưng đến nay, khi tăng trưởng GDP thực tiễn chỉ dưới 5% do sức cầu trong và ngoài nước đều yếu, thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng cũng cần phải điều chỉnh xuống cho phù hợp, không cần thiết “ép” mục tiêu tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá. (PGS. TS Phạm Thế Anh, Chuyên gia kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)
- Trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy: Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP, về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-12-2023. Phía Bộ Tài chính cũng đưa ra đề xuất không cần thiết kéo dài thời gian ngưng hiệu lực thi hành, đối với các quy định xác định tư cách nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; đàm phán với các NĐT để gia hạn thêm thời gian đối với TP; xếp hạng tín nhiệm đối với DN phát hành TP. (TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng)
- Nỗi lo NĐT chuyên nghiệp và xếp hạng tín nhiệm: Khi “bong bóng” trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bị vỡ hồi năm 2022, NĐ65/2022 ra đời nhằm chấn chỉnh thị trường TPDN bằng bằng những quy định siết chặt việc phát hành hơn. Ngay sau đó, NĐ08/2023 dù chỉ là tạm thời nhưng được cho là cứu cánh cho thị trường TPDN. Đã gần 1 năm qua, thị trường TPDN vẫn chưa thể phục hồi thì NĐ08 đã hết hạn và sẽ phải trở lại áp dụng NĐ65 (từ ngày 1-1-2024). Trong đó nỗi lo lớn nhất là “nhà đầu tư chuyên nghiệp và các DN phát hành phải xếp hạng tín nhiệm” (TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia)
Theo dòng các topic này: Thị trường trái phiếu sẽ tiếp tục bị 'đứng hình'?
2024 là năm rủi ro chính trị cao nhất trong vòng một thập kỷ
Một điều khá bất ngờ trong quá trình đọc các report và dùng bot scan report cho topics (gọi là topical modelling), mình phát hiện ra topic xuất hiện ở 2 vị trí đầu của top 28 reports mình đọc về kinh tế và thị trường 2024 là rủi ro chính trị/địa chính trị.
Một trong những nguyên nhân là vì 2024 được cho là năm bầu cử lớn nhất trong lịch sử bởi tờ Economist.
Một vài report quăng thẳng geopolitics lên tiêu đề report luôn.
Nhưng vì sao bầu cử thì lại quan trọng với các thị trường?
Vì các động lực chính trị sẽ ảnh hưởng chính sách kinh tế. Ví dụ Anh vừa ra một chính sách mới về nhập cư và visa, mà rõ ràng là một cách lấy phiếu bầu, nhưng lại sẽ có rất nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế, thông qua tác động đến nguồn cung ứng lực lượng lao động, nhu cầu nhà ở và tiền lương. Mình có một note ngắn trên Facebook về chuyện này ở đây.
Điểm thứ hai, các Đảng sẽ có thể tìm cách block những nỗ lực xoay chuyển tình hình kinh tế nếu nó xấu đi của chính phủ cầm quyền, dẫn đến những gói hỗ trợ kinh tế sẽ bị delay. Điều này đặt rủi ro cho các vấn đề như nợ công, hỗ trợ kinh tế trong trường hợp nền kinh tế hard landing thì đầu fiscal sẽ bị kẹt trong ngắn hạn.
Thứ ba, là về xung đột Trung-Mỹ, Israel-Palestine, Nga-Ukraine có thể khiến các nước bất đồng với nhau sâu sắc, và làm cho cái việc phân mảnh chuỗi cung ứng toàn cầu sâu sắc hơn. Kết quả là chi phí sản xuất không thể tối ưu hóa. Kết hợp với biến đổi khí hậu phức tạp có thể dẫn đến những đứt gãy nhỏ trong chuỗi cung ứng, thì rủi ro với lạm phát vẫn sẽ còn đó. Lạm phát không thấp thì lãi suất USD khó mà hạ nhiều.
Đây là cái rủi ro mà dân đầu tư và kinh tế rất khó phân tích, cách tốt nhất là thận trọng một chút.
Update về market trend
Tóm tắt về market trend tuần rồi khá dễ:
Thị trường chứng khoán Mỹ hype khá tốt với “soft-landing” - Tuần thứ 6 đóng cửa cao hơn đầu tuần.
Crypto market tiếp tục hype - với dự báo BTC lên 150k vào cuối năm sau chạy đầy Twitter
Yen Nhật lên giá lại so với USD, NHTW Nhật có thể từ bỏ con đường lãi suất âm
China tiếp tục dò đáy … mới, cổ phiếu gãy key support khá nhiều, phía kinh tế ra số yếu, phía chính phủ thay một loạt tướng chủ chốt của toàn ngành tài chính, và đổi các lãnh đạo về kinh tế
Kinh tế China yếu kéo giá dầu theo
Chart đáng chú ý trong tuần là trong lúc thị trường Mỹ leo dốc, Goldman Sachs phát hiện hedge funds bán chốt lời khá nhiều Mag 7.
Central bank thì tiếp tục mua vàng, hổng phải crypto :)
Các bài viết để đọc giải trí
Học giỏi và vỡ mộng - Trong tuần mình có bài này trên FB có nhiều lượt đọc và chia sẻ.
Có nhiều bài báo như thế này, khiến nhiều bạn tin rằng "học giỏi là vô dụng". Có mấy vấn đề mình phản chiếu từ góc nhìn thực tế mình đang thấy. Bạn thấy nhiều người học ra điểm giỏi nhưng vẫn thất nghiệp, nhưng bạn cần cân nhắc:
1/ Bạn lại không nhìn thấy những tuyển dụng của những công ty trả vài trăm nghìn đến 1 triệu đô package. Nếu bạn không học giỏi, câu hỏi gửi xe về toán thống kê của họ bạn sẽ không có cửa mà được nộp hồ sơ.
Vấn đề là những người học giỏi đó không chỉ giỏi đơn thuần, mà nó là xuất sắc của xuất sắc. Bây giờ bạn vào một lớp đại học của một Russell Group uni của UK, bạn hỏi coi đứa nào từng học đầu lớp. Đầy đứa giơ tay. Bạn hỏi coi có bao nhiêu cháu đang cầm CFA level 1, level 2, ngồi lớp Master? Cả trăm cánh tay.
Đơn giản là giờ xã hội cạnh tranh nhiều hơn ngày xưa. Cho nên đúng là bây giờ chỉ học giỏi là chưa đủ. Mà phải là top của các bạn giỏi.
2/ Bạn phải coi bạn học ngành nào. Bạn nào học mấy ngành liên quan đến AI, không cần phải nhất lớp, chỉ cần ghi có kinh nghiệm triển khai/làm project với AI models, là dễ có việc.
Ngược lại, có những ngành nó suy giảm theo xã hội, nhưng đào tạo ra vẫn đông, thì học giỏi top trường cũng chưa chắc có việc, vì người ta chọn top của các top trường. Chỉ có bao nhiêu đó việc thôi mà. Nhưng số trường, số khoa, số programmes thì tăng.
3/ Đây là bài về China, một nước đang bị khủng hoảng việc làm trong giới trẻ ở tầm cực kỳ nghiêm trọng.
Các bạn có thể đọc tiếp ở link bên trên.
Rửa tiền, án phạt và rủi ro màu xám - Bài viết của mình trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần của tuần trước
Tháng 6-2023, Lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) đã đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát tăng cường (còn gọi là Danh sách xám), đồng thời đưa ra 17 khuyến nghị hành động với Việt Nam để giải quyết các thiếu hụt trong cơ chế phòng chống rửa tiền, phòng chống các hoạt động tài trợ khủng bố hay phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Câu chuyện của Binance là lời cảnh báo rằng danh sách này không phải chỉ "cho vui". Tiếp đến sẽ là hàng loạt các động thái giám sát chú ý tới dòng tiền vào ra các quốc gia trong danh sách. Các định chế tài chính và giao dịch chuyển tiền, đầu tư sẽ bị săm soi.
Đây là điều các định chế tài chính và giới chức Việt Nam phải đặc biệt chú ý trong thời gian tới, bởi nó không chỉ là rủi ro nhất thời, mà là rủi ro có tính hệ thống.
Với giới tài chính nước ngoài, nó là yếu tố rủi ro trọng yếu được ghi nhận trong báo cáo thường niên và kiểm toán viên đôi khi quyết định phải có ý kiến rõ ràng, tức lựa chọn có hoặc không, trước các rủi ro này trong báo cáo kiểm toán, bởi nó có thể gây ra những khoản chi phí bất thường cực lớn - như hai khoản phạt tỉ đô cho các định chế tài chính hoạt động ở quy mô quốc tế đã nói ở trên.
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), một quốc gia bị đưa vào Danh sách xám trung bình có nguy cơ giảm 7,6% GDP, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) giảm trung bình 3% GDP, dòng vốn đầu tư gián tiếp giảm trung bình 2,9% GDP, và dòng vốn đầu tư thông qua các kênh khác giảm trung bình 2,4% GDP. Những con số này không hề là chuyện chơi.
- Phở kiểu gì là kiểu gì? - Bạn ngớ ra - Phở ngon ấy.
- Thì biết là phở ngon. Nhưng mà bò hay gà, hay bò-gà? Chú trọng vào bát phở, hay đòi hỏi phải có cả "view" nữa? Đầy mồm đầy miệng, hay là nhẩn nha thanh cảnh? Ăn sáng - ăn chiều - ăn đêm - hay ăn đêm về sáng?
- Khiếp, nhiêu khê thế…
Lại chả nhiêu khê.
….
Nếu đang có một bác gái cao niên mặc đồ ngủ múc tương ớt, cụ hưu trí giương mục kỉnh lau thìa, hoặc anh xe ôm ơi ới thêm mấy củ hành chần thì đó đích thị là quán phở ngon. Nấu cho bà con khối phố trong ngõ đầu đường ăn, mà không ngon, chả tồn tại được đến Tết sang năm đâu mà.
…
Phở là phải đúng nơi đúng chỗ, đúng người đúng lúc và đúng tâm trạng. Thế thôi, thì khắc ngon.
Người trẻ ngày càng ít cơ hội mua nhà ở Mỹ - Chuyện muôn thuở ở nhiều nước.
Hình hay trong tuần: Nén bạc đâm toạc đoàn thanh tra
Bạn nào muốn nhận list đọc chậm hàng tuần mà chưa đăng ký thì đăng ký theo dõi Substack của mình ở đây nha. Trang này là free, nhưng khi bạn bấm vào sẽ có mục Pledge, nghĩa là bạn cho biết bạn sẽ sẵn sàng trả bao nhiêu cho đọc. Cái này là thiết kế mới của Substack, mình không thay đổi được. Bạn có thể chọn “No pledge” là xong, không tốn tiền.