Chỉ có phù hợp (nhất), không có tốt nhất.
Trong tuần qua mình đi ngồi với nhiều chú bác, anh chị em, bạn bè nghe họ nói chuyện nhiều thứ hay ho và cũng góp ý một số chuyện mà mọi người muốn nghe góc nhìn của mình. Về mình viết lại một đoạn trên Facebook như sau
Chỉ có phù hợp (nhất), không có tốt nhất.
"Làm thứ mình giỏi hay làm thứ mình thích?" / "Con có thiên hướng làm gì?"/ "Con thích đi đâu, làm gì?"/ "Con nên chọn Mỹ/Anh/Canada/Úc/Phần Lan ..." / "Học ở VN hay đi nước ngoài" / "Nên định hướng con về VN hay ở nước ngoài?" / "Học xong, về VN một thời gian rồi có nên quay lại không?"
Đó là những gì mà mình nghe được suốt cả tuần đi ăn chùa vừa qua, được một số anh chị, bạn bè hỏi về hướng nghiệp cho con.
Thật ra trong bản thân những câu hỏi đó hàm chứa 2 giả định:
1. Các bạn nhỏ được hỏi biết chắc chắn các bạn thích gì.
2. Các bạn (bao gồm các bạn nhỏ và người được mời tới tư vấn) biết được 100% cái tập hợp rộng lớn những gì các bạn có thể làm trong vũ trụ.
2 giả định này trong nhiều tình huống là sẽ sai.
Thế giới rộng lớn và không ngừng mở rộng. Câu hỏi "thích làm gì?", "làm gì là tốt nhất?" đã đóng khung các bạn trong một cái tập hợp thu hẹp "những gì có thể làm" do ba mẹ, người tư vấn, thậm chí một vài anh/chị thành công trước các bạn trẻ chỉ một vài năm chỉ ra.
Thay vào đó, hãy đặt câu hỏi:
- Đi đâu/làm gì thì tốt cho trải nghiệm bản thân? Cơ hội trải nghiệm nhiều thứ khác nhau thế nào? Để rồi mục tiêu là tìm ra cái phù hợp nhất cho mình trong một khoảng thời gian 2-3 năm tới.
- Học/làm cái gì để rồi có cơ hội tìm được một công việc tạm gọi là có gì đó để học hỏi làm rồi tìm kiếm thêm cơ hội khác (học tiếp, đổi ngành, cày để thăng tiến, rủ nhau làm startup, hoặc bỏ đi chơi game :) )
- Lựa chọn có phù hợp điều kiện gia đình hay không? Cái này mấy người gặp tui tuần này không ai cần hỏi vì những nhà đó ba mẹ đã sẵn sàng cho con thích gì là chơi tới bến với nguồn lực rất tốt, năng lực hiện tại con tới đâu thì chơi tới đó. Nhưng nhà nào nguồn lực có giới hạn hơn thì phải cân nhắc là dự phòng giúp cho con trong trường hợp nó không thành công lắm với lựa chọn đầu tiên và cần "cắt lỗ" làm lại.
Có những thứ đơn giản là phù hợp nhất để làm ở một thời điểm nhất định, chứ không phải tốt nhất, là đủ để bạn đi rất xa trong sự nghiệp rồi. Mà phải có nhiều trải nghiệm thì mới biết mình phù hợp hay không chớ?
Có những người phù hợp với nước Mỹ sôi động, đầy cơ hội nhưng cũng cạnh tranh cao. Nhưng cũng có người phù hợp với Phần Lan tuyết phủ nhiều tháng một năm nhưng đời sống yên bình.
Rồi phải tìm hiểu xem khả năng mình hợp với cái gì. Chẳng hạn tui bị tone deaf, ai mà kiu tui làm ca sĩ, nhạc sĩ thì tiêu rồi, mặc dù tui cũng thích nghe nhạc và hát, nhưng tui biết lượng sức.
Thật ra mở rộng hơn nữa nó còn đúng với cả đầu tư, lựa chọn công việc, bạn đời v.v. Về đầu tư có nhiều chuyện cũng vui cho thấy về câu chuyện phù hợp nhất. Chẳng hạn mình đợt này ngồi với nhiều người rất thành công với các phong cách đầu tư khác nhau. Và có mấy quan sát thú vị như sau:
Cụ siêu siêu giàu thì chuyên BĐS thì chửi anh em chứng khoán lùa gà, số liệu bát nháo, toàn bán giấy lấy tiền bá tánh về làm dự án nhập nhèm.
Cụ siêu giàu chơi chứng thì chửi anh em crypto toàn ủng hộ lừa gạt người ta, vô giá trị. Cụ Buffett và cả các cụ ECB vẫn tin như vậy. Tất nhiên chị Wood thì không đồng ý với các cụ, chị tin rằng bitcoin còn lên được … 3.8 triệu đô/BTC.
Anh em chơi bitcoin, altcoin thì cười anh em chơi meme coin
Anh em chơi đủ thứ thì cười tui chỉ cho cái website mua bán vũ khí trong game x4000 của China mà đứa student tui vừa chỉ cho chơi.
Tui cái gì cũng chơi, ngồi nghe cười, rồi … ủng hộ ông kia chửi ông nọ (thảo mai ghê hông).
Đó là chuyện đầu tư. Còn chuyện công việc cũng có cái câu chuyện hay. Có đứa bạn làm chứng khoán kể là có khách hàng giới thiệu một em rất hiền, thật thà, mới ra trường vô làm kế toán ở công ty chứng khoán. Nó đi tuyển nó thấy em này hiền quá sao làm nổi trong ngành chứng khoán, nên nói thôi cho em thực tập coi thử, mà ý định thật ra nể mặt khách hàng cho thực tập vậy thôi. Nhưng vô rồi thấy em rất chăm chỉ, lại cẩn thận, thật thà, thế là các bạn sau đó tuyển vô làm chính thức luôn. Nó nói “hóa ra cuối cùng em nó hiền và thật thà vậy lại rất hợp làm công việc như kế toán ông à”.
Đó có mấy chuyện vui vui vậy thôi. Giống trong tuần rồi tối khuya T4 mình về ngồi dự một seminar qua mạng thì có bạn present paper, bắt đầu bằng “You don’t need talent, you need discipline”. Mình thì nghĩ “Ủa, rồi con talent nó nhảy cái qua hố sao bắt nó phải đi từng bước?” Nó vừa đi vừa nhảy cũng được vậy? Còn bạn nào không có talent thì đi từng bước có sao?
Cho nên trong mọi lựa chọn, không có cái gì chắc chắn là tốt nhất cho bạn. Phù hợp đã là may, chứ chưa chắc cần phù hợp nhất nữa.
Và một điều mình cũng chia sẻ là mỗi khi bạn ra quyết định, thì mỗi khi nhìn lại bạn đừng cảm thấy hồi xưa sao mình ra quyết định tệ vậy (mình thường xuyên cười bản thân như vậy), nhưng ngẫm lại thì rất nhiều quyết định đưa ra là dựa trên thông tin tốt nhất mình có thể có ở thời điểm đó rồi. Ví dụ ngày xưa bán bitcoin ở 3k khi mua ở dưới 200 đô, ahihi (hoặc tệ hơn nữa là lấy 1 đống bitcoin đi đổi cây kiếm trong game). Hoặc thằng bạn kiêm kim chủ trả tiền hàng tháng cho mình hay cười mình là nếu xưa mình ở lại Úc làm PhD thì giờ có phải khỏe biết bao nhiêu.
Vấn đề là làm sao mình biết đi Anh có cái gì trong đó (ví dụ ai mà biết được dân Anh chơi Brexit, 2008 thì biết bà con chơi thuốc gì ở 2016 được)? Hoặc có cụ cầm 4000 lượng vàng đi đầu tư bất động sản công nghiệp, giờ giá bất động sản của cụ lên không bằng giá vàng, dù nó vẫn được người ta mới hỏi mua mấy trăm tỷ. :))))
Vì vậy, sau nhiều sai lầm trong đời mà vẫn còn tồn tại, mình tin rằng lựa chọn được cái tốt nhất đương nhiên là tốt, nhưng mà không dễ. Chọn được cái phù hợp nhất là tốt rồi, mà cũng không hoàn toàn dễ. Phù hợp thôi đã là tốt.
Một ví dụ ứng dụng trong chuyện chọn trường học, chuyện đầu tư, đó là chọn được cái mang lại lợi ích cho mình, rồi từ đó mà phát triển lên. Đã phù hợp rồi thì bạn mới gắn bó lâu dài, yên tâm cầm hàng/gắn bó với cái lựa chọn ngay cả khi thị trường lao động hay thị trường tài chính thay đổi đột ngột. Cái gì có thể phù hợp với mình thì cũng sẽ phù hợp với nhiều người khác, luôn sẽ có cộng đồng support.
Một số chart thú vị trong tuần
Mình view đa số thị trường đang trong trạng thái consolidate và chờ break out trong một giai đoạn không có nhiều tin đột phá trong tuần hoặc đang đợi những mốc big news các tuần tới.
Trong đó một vài chart đáng chú ý:
Cổ phiếu Mỹ vẫn đắt so với cổ phiếu quốc tế, nhưng cái chart tổng thể cho thấy đắt vẫn có thể đắt hơn :) , cái 20.9x PE của Mỹ không thể bền vững, nhưng mà khi nào nó điều chỉnh thì mình không biết. Nhưng hiện trạng này đang thúc đẩy bà con diversify ra khỏi big tech Mỹ và cũng sẽ đi săn hàng emerging/tiếp tục mua hàng Nhật & Ấn.
Tỷ lệ vỡ nợ vay mua bất động sản của Mỹ tăng, nhưng mà còn xa tỷ lệ đáng báo động của 2007 và Covid-19.
Chỉ số niềm tin thị trường nhà của Mỹ đang tạo đáy.
Trader quốc tế
Tác động của AI đến các nền kinh tế toàn cầu: các nước phát triển sẽ hưởng lợi lớn
VIX phát tín hiệu tạo đáy, warning cho bull trend của nhiều risky asset.
Một số bài đọc thú vị trong tuần
Mấy đại ca cầm hàng mắc mỏ mà earnings growth đang kẹt của Mỹ đang run khi lãi suất trái phiếu tăng lại - Rising Treasury yields pose a test for richly valued US stocks
Trung Quốc đang hướng tới cạnh tranh với Hàn Quốc ở Việt Nam South Korean Firms in Vietnam Face Growing Competition From China
Làm sao bất động sản Trung Quốc ngừng rơi - có đường ra, nhưng vẫn sẽ mất không ít thời gian nữa. Commentary: How to Break Out of China’s Property Downward Spiral
Bài liên quan - Trung Quốc tiếp tục bơm nghìn tỷ hỗ trợ chính quyền địa phương: China’s Support to Regional Governments Tops 10 Trillion Yuan for Second Year - Cơn nghiện khó cai.
Đọc thì thấy tình hình thị trường BĐS Việt Nam dễ thở hơn nhiều, chỉ một vài tay chơi lớn kẹt và dư địa chính sách hỗ trợ, nhất là về mặt banker, thì còn.
Đọc giải trí: biến động nhân sự team kinh tài của bác Tập - Who is up and who is down on China’s economic team
Bình luận của Economist về Tam Thể và những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở China. Chinese nationalists have issues with “3 Body Problem”
Xếp hạng đại học: Nhiều đại học lớn rời bỏ cuộc chơi - Bài này hơi làm quá, trong 500 đại học lớn thì mấy người bỏ cuộc chơi đâu, nhưng là một cảnh báo quan trọng để các đại học trong nước bớt chơi game xếp hạng.
Video thú vị: Vì sao Marriott, Hilton và Hyatt sở hữu dưới 1% các khách sạn dưới tên họ?
Bài hay: How Adobe’s bet on non-exploitative AI is paying off
Hình thú vị trong tuần: Phá rừng để làm... du lịch sinh thái - Tranh: DAD
Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ.
Các bạn muốn nhận bản Đọc Chậm hàng tuần thì có thể đăng ký bên dưới nha, miễn phí :)